CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Ở NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM

Giáo dục Nhật Bản có mục đích giữ gìn các giá trị truyền thống và truyền lại cho thế hệ tiếp sau. Chính vì vậy, giáo dục đạo đức (GDĐĐ) được xem xét như là phần trọng tâm, không thể thiếu được của quá trình giáo dục, được thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của chính phủ. GDĐĐ là một môn học riêng biệt, bắt buộc ở cả cấp tiểu học và sơ trung (junior high school)..

Tuy nhiên với quan điểm GDĐĐ như là môn học riêng biệt cần phải dựa trên nguyên lí là nó tôn trọng tính chung (phổ quát) của các chuẩn mực đạo đức và nguyên lí đặc thù (cần quan tâm đến hoàn cảnh chính trị, kinh tế và công nghệ đặc thù mà người Nhật Bản đang đối mặt) nên GDĐĐ của Nhật Bản cứ 10 năm lại có những thay đổi trong mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp cho phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu chương trình, nội dung GDĐĐ hiện hành của Nhật Bản được thông qua từ năm 1998 và tiến hành đại trà ở nhà trường phổ thông từ 2002 .

1. Chương trình, nội dung giáo dục đạo đức của Nhật Bản

Chương trình gồm 3 loại: các môn học, giáo dục đạo đức và các họat động chuyên biệt. Các trường dựa trên chuẩn chương trình để xây dựng chương trình cho trường mình. Đối với GDĐĐ của tiểu học và sơ trung, chuẩn chương trình qui định: GDĐĐ trong nhà trường phải được thực hiện thông qua toàn bộ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Do đó, cần phải tiến hành giảng dạy đạo đức một cách thỏa đáng không chỉ trong giờ dạy đạo đức mà cả trong các giờ dạy các môn học khác và các họat động chuyên biệt, tùy theo đặc trưng của từng môn hay từng hoạt động”.

Có 4 nguyên tắc cơ bản trong GDĐĐ là:

– Học kiểm soát bản thân;

– Học sống và giao tiếp với mọi người;

– Học tôn trọng môi trường, tự nhiên và cái đẹp: để hiểu tầm quan trọng của cuộc sống;

– Học tôn trọng các qui tắc/luật lệ mà theo đó con người/xã hội đang vận hành: công bằng, bình đẳng, say mê công việc, v.v…

Nội dung GDĐĐ được thể hiện trong 4 mối quan hệ với tổng cộng 76 chỉ số, đó là: “Tự xem xét/đánh giá bản thân”; “Mối quan hệ với người khác”; “Mối quan hệ với Tự nhiên và thế lực Siêu phàm”; “Mối quan hệ với nhóm và xã hội”. Cụ thể là:

1. Đánh giá bản thân: Không quá khích ; Cần cù; Dũng cảm;Chân thành; Tự do có kỉ luật; Tự hoàn thiện bản thân; Yêu quí sự thật

2. Mối quan hệ với người khác: Lịch sự; Quan tâm và nhân từ; Hiểu, tin tưởng và giúp đỡ bạn bè; Biết ơn và tôn trọng; Khiêm tốn

3. Mối quan hệ với môi trường tự nhiên: Thân thiện với môi trường tự nhiên;Tôn trọng cuộc sống; Sự nhạy cảm thẩm mỹ; Tính cao thựơng

4. Mối quan hệ với nhóm và xã hội: Có trách nhiệm với nhiệm vụ chung, với tập thể/nhóm ; Công bằng, không thiên vị; Hiểu tầm quan trọng của làm việc và mong muốn được làm việc; Tôn trọng các thành viên trong gia đình; Tôn trọng thầy cô giáo và mọi người trong trường; tôn trọng và yêu thương những người đã cống hiến bản thân cho xã hội và những người lớn tuổi để góp phần vào sự phát triển của cộng đồng; Tôn trọng truyền thống và tình yêu dân tộc; Tôn trọng nền VH khác.

Ở tiểu học (1 – 6) và sơ trung (7 – 9), GDĐĐ như là môn học riêng biệt chiếm tổng số là 34 giờ ở lớp 1, 35 giờ từ lớp 2 đến lớp 9, chiếm từ 3.3 – 4.0% tổng số giờ học trong năm của mỗi khối lớp. Tức là trong một tuần có 1 tiết đạo đức. Giáo viên thường tự soạn bài dạy theo sách hướng dẫn và các tài liệu tham khảo dựa trên chương trình chuẩn, các tài liệu thu thập được và các phương tiện khác. Giáo viên chuẩn bị chương trình giảng dạy cho cả năm. Các giá trị đạo đức cơ bản cần giảng dạy được phân cho từng giai đoạn. Giáo viên chọn lựa một vài giá trị đạo đức có liên quan với nhau, sau đó tích hợp trong chủ đề được đề xuất và sử dụng các tài liệu như các giai thoại, câu chuyện ngắn, bài viết của HS, chương trình GD trên tivi v…. để giảng dạy cho HS. GVCN thường có trách nhiệm chung trong GDĐĐ.

1.2 Giáo dục đạo đức thông qua các môn học khác:

Mục tiêu và nội dung của từng môn học và các hoạt động giáo dục ở tiểu học và sơ trung đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phát triển đạo đức, ví dụ:

Môn tiếng Nhật:

“Nhằm phát triển khả năng hiểu và diễn đạt chính xác tiếng Nhật, nhằm phát triển ý nghĩa của ngôn ngữ, làm sâu sắc sự hứng thú đối với tiếng Nhật và nuôi dưỡng thái độ tôn trọng tiếng Nhật” (MT chung, bậc sơ trung)

Các môn nghiên cứu xã hội:

” Nhằm giúp GD lịch sử Nhật Bản, trong ngữ cảnh của lịch sử thế giới, dựa vào đó để suy nghĩ về những đặc trưng truyền thống và văn hóa Nhật từ cách nhìn rộng hơn và nuôi dưỡng ý thức về mình là người Nhật” (Lịch sử, sơ trung)

Ngoài ra, ở một số môn học khác như môn Kkhoa học; Nhạc; GD sức khỏe và Tiếng nước ngoài đều chứa đựng những nội dung GDĐĐ cho HS.

1.3 Giáo dục đạo đức thông qua các họat động giáo dục

a. Thông qua các hoạt động giáo dục chuyên biệt:

Các họat động trong chương trình được mong đợi thực hiện các mục tiêu sau:

“Thông qua các họat động nhóm theo sở thích nhằm thúc đẩy sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần và phát triển cá nhân; nhằm giáo dục thái độ độc lập và thực tế như là thành viên của nhóm để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn; nhằm làm sâu sắc hơn nhận thức của mình về cuộc sống với tư cách là một con người; và nhằm GD khả năng tự hoàn thiện bản thân” (Sơ trung)

Các hoạt động chuyên biệt ở sơ trung bao gồm:

– Các hoạt động giáo dục trên lớp

– Hội đồng học sinh

– Các hoạt động CLB

– Các sự kiện của nhà trường: Các hoạt động kỉ niệm; các sự kiện liên quan đến học tập; các sự kiện liên quan đến giáo dục sức khoẻ; các chuyến đi thực tế; các hoạt động phục vụ xã hội.

Các hoạt động này liên quan chặt chẽ với GDĐĐ như là môn học độc lập và chúng bổ sung cho nhau.

b. Giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động hàng ngày:

Giáo dục đạo đức của Nhật được thiết kế nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục đề ra thông qua toàn bộ các hoạt động trong nhà trường. Có rất nhiều sự việc, việc làm trong nhà trường có vai trò quan trọng trong GDĐĐ, như:

– Thứ nhất đó là vệ sinh trường lớp: hàng ngày, trong trường từ Tiểu học đến trung học yêu cầu học sinh dọn vệ sinh lớp học, các vị trí công cộng như nhà vệ sinh, cổng trường, phòng tập thể dục, xung quanh lớp học… Mục đích không chỉ là tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giúp HS đánh giá cao giá trị của làm việc/lao động và tinh thần vì cái chung.

– Thứ hai là các hoạt động đối với các sinh vật sống: ở các trường Tiểu học có các động vật và cây trồng đa dạng để HS có thể chăm sóc. Đôi khi đó được coi như HĐ chuyên biệt hoặc một phần của giờ học khoa học. HS chăm sóc con vật hay tưới cây theo thứ tự, thậm chí cả trong dịp hè. Thông qua các HĐ này, HS thân thiện với tự nhiên xung quanh hơn và yêu quí các sinh vật sống, do đó chúng học cách tôn trọng cuộc sống.

– Thứ ba, các hoạt động CLB sau khi học trên lớp: (chúng khác các hoạt động chuyên biệt trong chương trình) được coi là có ý nghĩa trong việc hình thành các kĩ năng giao tiếp liên nhân cách và các qui định/nguyên tắc. Học sinh trung học có thể tham gia một hay nhiều CLB một lúc. Các hoạt động của các CLB có thể nhằm giúp hình thành nhiều phẩm chất đạo đức quan trọng trong MTGD đạo đức như: hợp tác, lịch sự, trách nhiệm, cần cù, tự hoàn thiện, tình bạn…

II. Giáo dục đạo đức ở Việt Nam

Với quan niệm “Đức là gốc”, GDĐĐ ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm và coi trọng ngay từ sau Cách mạng tháng Tám thành công. GDĐĐ đã sớm trở thành một môn học riêng biệt và đồng thời thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, qua các môn học khác, qua toàn bộ đời sống nhà trường.

Mục tiêu của GDĐĐ cho học sinh là nhằm trang bị cho các em những tri thức cần thiết về tư tưởng chính trị, đạo đức nhân văn, kiến thức pháp luật và văn hoá; hình thành thái độ đúng đắn, tình cảm, niềm tin đạo đức trong sáng đối với bản thân, với mọi người, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và với mọi hiện tượng xảy ra xung quanh. Các chuẩn mực hành vi đạo đức giáo dục cho HS là sự thể hiện những giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, thể hiện sự thống nhất giữa tính truyền thống và tính hiện đại.

2.1 Giáo dục đạo đức với tư cách là môn học độc lập

GDĐĐ như là môn học độc lập được thực hiện ở Tiểu học và THCS với 1 tiết trong một tuần. Tổng cộng là 35 tiết cho mỗi năm học ở từng cấp. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung cụ thể ở từng cấp, tên môn học được gọi khác nhau. Đối với Tiểu học, gọi là môn Đạo đức, còn đối với THCS và THPT, gọi là môn Giáo dục công dân.

Môn Đạo đức ở Tiểu học nhằm giúp học sinh:

i. Có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi trong quan hệ của các em với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó.

ii. Từng bước hình thành kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân va fnhững người xung quanh theo chuẩn mực đã học; kĩ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống; biết nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện.

iii. Từng bước hình thành thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình; yêu thương, tôn trọng con người; mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người; yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.

Nội dung GDĐĐ được cụ thể hoá trong 5 mối quan hệ cơ bản, gần gữi với HS Tiểu học. Đó là:

(1) Quan hệ với bản thân: Sống gọn gàng, ngăn nắp, vui vẻ, lạc quan, trung thực, có kỉ luật, ham học hỏi, có ý thức vượt khó, vươn lên; biết tự đánh giá hành vi của mình, biết trình bày, bảo vệ ý kiến, có trách nhiệm với bản thân; biết sử dụng tiết kiệm thời gian, tiền của…

(2) Quan hệ với gia đình: yêu quí, quan tâm, giúp đỡ những người thân trong gia đình; hiếu thảo cha mẹ; tự hào, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ.

(3) Quan hệ với nhà trường: Yêu quí, kính trọng, biết ơn thầy cô giáo; Đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ bạn bè, biết xây dựng tình bạn; Yêu quí và tích cực tham gia xây dựng trường lớp;

(4) Quan hệ với cộng đồng, xã hội:Yêu mến, tự hào với truyền thống quê hương, đất nước; kính trọng, biết ơn Bác Hồ và những người có công với đất nước; có tinh thần đoán kết, hữu nghị với thiếu nhi các nước; biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, sống hoà hợp với mọi người; sống thật thà, chân thành, có trách nhiệm…

(5) Quan hệ với môi trường tự nhiên: sống gần gữi, yêu quí và chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, cây cối, các loài vật có ích; biết sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường..

Ở THCS môn GDĐĐ được mở rộng với tên gọi là Giáo dục công dân nhằm giáo dục cho HS các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi. Những chuẩn mực đạo đức mà HS được học ở THCS là sự tiếp nối những chuẩn mực hành vi cụ thể đã học ở Tiểu học những có tính khái quát cao hơn, thể hiện những yêu cầu cơ bản về đạo đức đối với người công dân trong giai đoạn hiện tại. Mục tiêu GDĐĐ là:

i. Hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS THCS trong các quan hệ với bản thân, với mọi người, với công việc và với môi trường sống; hiểu ý nghĩa của các chuẩn mực đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội; sự cần thiết phải rèn luyện để đạt được các chuẩn mực đó.

ii. Biết đánh giá hành vi của bản thân và mọi người xung quanh; biết lựa chọn và thực hiện các ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, phát luật, văn hoá xã hội trong giao tiếp và hoạt động; biết tự tổ chức việc học tập và rèn luyện của bản thân theo yêu cầu của các chuẩn mực đã học.

iii. Có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện đạo đức, pháp luật, văn hoá trong đời sống hàng ngày; có tình cảm trong sáng, lành mạnh đối với mọi người, đối với gia đình, nhà trường, quê hương đất nước; có niềm tin vào tính đúng đắn của các chuẩn mực đã học và hướng tới những giá trị xã hội tốt đẹp; có trách nhiệm đối với hành động của bản thân; có nhu cầu tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để trở thành một chủ thể xã hội tích cực, năng động.

Nội dung giáo dục bao gồm các nội dung liên quan đến đạo đức và pháp luật. Nội dung đạo đức gồm 8 chủ đề:

(1) Sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư;

(2) Sống tự trọng và tôn trọng người khác;

(3) Sống có kỉ luật;

(4) Sống nhân ái, vị tha;

(5) Sống hoà nhập;

(6) Sống có văn hoá;

(7) Sống chủ động, sáng tạo;

(8) Sống có mục đích

Nội dung giáo dục pháp luật bao gồm 5 chủ đề:

(1) Quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình;

(2) Quyền và nghĩa vụ công dân về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

(3) Quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá – giáo dục và kinh tế;

(4) Các quyền tự do cơ bản của công dân;

(5) Quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lí nhà nước.

GDĐĐ ở Việt Nam được thực hiện thống nhất trong cả nước về mục tiêu, chương trình, nội dung, sách giáo khoa.

2.2 Giáo dục đạo đức thông qua các môn học khác và hoạt động giáo dục:

Với quan điểm GDĐĐ phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, thông qua toàn bộ đời sống nhà trường. Do đó, mục tiêu và nội dung giáo dục của các môn học và các hoạt động giáo dục có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc GDĐĐ cho HS. Cụ thể như:

– Môn Tiếng Việt: “Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN” (chương trình tiểu học); “Có ý thức và biết ứng xử, giao tiếp trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội một cách lễ phép, có văn hoá; Biết yêu quí những giá trị chân, thiện, mĩ và biết khinh ghét những cái xấu xa, độc ác, giả dối được phản ánh trong các văn bản đã học, đã đọc” (chương trình THCS).

– Môn Khoa học: “Yêu con người, thiên nhiên đất nước, yêu cái đẹp. Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh” (chương trình tiểu học).

– Môn Lịch sử: “Lòng yêu quê hương, đất nước, gắn với tin yêu CNXH, lòng tự hào dân tộc và trân trọng đối với những di sản lịch sử…, trân trọng đối với các dân tộc, các nền văn hoá trên thế giới, có tinh thần quốc tế chân chính, yêu chuộng hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc” (chương trình THCS)

– Môn Âm nhạc: “Phát triển trí tuệ, bồi dưỡng tình cảm trong sáng, lành mạnh, hướng tới cái tốt, cái đẹp”, (chương trình tiểu học).

Ngoài ra, nội dung GDĐĐ còn được khai thác ở các môn học khác như Toán, Mĩ thuật, Kĩ thuật, Thể dục

– Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: “…Củng cố, phát triển các hành vi, thói quen tốt trong học tập, lao động và công tác xã hội”, “Bồi dưỡng thái độ tự giác, tích cực tham gia các hoạt động tập thể và hoạt động xã hội; hình thành tình cảm chân thành, niềm tin trong sáng với cuộc sống, với quê hương đất nước, có thái độ đúng đắn đối với các hiện tượng tự nhiên và xã hội.” (chương trình THCS).

Nội dung hoạt động giáo dục NGLL thể hiện ở 6 loại hình hoạt động: hoạt động xã hội – chính trị; hoạt động văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể dục thể thao; hoạt động theo hứng thú khoa học, kĩ thuật; hoạt động công ích và hoạt động vui chơi giải trí.

3. So sánh giáo dục đạo đức của Nhật Bản và Việt Nam:

3.1 Những điểm giống nhau:

Thứ nhất, là việc đề cao vấn đề GDĐĐ cho học sinh, coi GDĐĐ là phần quan trọng, không thiểu thiếu được của quá trình giáo dục. Do đó, GDĐĐ đã trở thành một môn học riêng biệt, độc lập như những môn học khác của nhà trường phổ thông.

Thứ hai, là thể hiện cách tiếp cận phức hợp, toàn diện trong việc GDĐĐ cho HS. Các tiếp cận phức hợp thể hiện trong các khía cạnh sau:

– Phức hợp về nội dung: Nội dung GDĐĐ bao gồm toàn bộ các vấn đề có liên quan đến giá trị, đạo đức của cá nhân đến các vấn đề đạo đức của cộng đồng, xã hội

Phức hợp còn thể hiện ở chỗ GDĐĐ được tiến hành thông qua toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống nhà trường: trong giờ học trên lớp; thông qua nội dung giáo dục trong các môn học khác, trong các hoạt động ngoại khóa….

– Sự phức hợp còn thể hiện ở việc chú trọng đủ các mặt trong GDĐĐ từ trang bị tri thức, đến cảm xúc và hành động (kiến thức, kĩ năng, thái độ).

Thứ ba, mục tiêu, chương trình, nội dung GDĐĐ là tương đối giống nhau, đó là sự kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những giá trị hiện đại. Nội dung GDĐĐ cho HS được thể hiện trong các mối quan hệ của cá nhân với bản thân, với gia đình, cộng đồng, với môi trường sống… Thời lượng dành cho môn GDĐĐ đều là 34 – 35 tiết trong một năm tương đương với mỗi tiết trong một tuần.

Thứ tư là giáo viên dạy đạo đức và chịu trách nhiệm về GDĐĐ cho HS chính là giáo viên chủ nhiệm.

3.2 Những điểm khác nhau:

Điểm khác nhau cơ bản chính là ở việc triển khai trong thực tiễn: cách tiếp cận toàn diện, phức hợp trong GDĐĐ được thực hiện trong các nhà trường Nhật Bản một cách triệt để, thông qua toàn bộ đời sống thường ngày của nhà trường nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, tạo ra các cơ hội đa dạng để HS được trải nghiệm các giá trị đạo đức đã học. HS ở mỗi lớp thường được chia làm nhóm 5 đến 6 em, mỗi nhóm có nhiệm vụ riêng như vệ sinh lớp học, phục vụ ăn trưa; làm báo lớp; chăm sóc vật nuôi ở lớp, v.v… Các nhóm sẽ thay đổi nhiệm vụ hàng tuần hoặc hàng tháng. Loại hình nhóm như thế này cũng được sử dụng trong giảng dạy các môn học khác như khoa học và toán, ở đó HS làm việc hợp tác với nhau trong nhóm và em học khá giúp em học yếu hơn cùng đạt được kết quả. Các thành viên của nhóm không cố định mà thay đổi định kì. Qua học nhóm, HS sẽ tự học làm thế nào để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau; góp phần vào thành công của người khác và của nhóm; biết thảo luận để đạt được sự nhất trí; đoán được và quan tâm đến những ý kiến và cảm xúc không nói ra của các thành viên khác v.v…

Ở Việt Nam, nhiều hoạt động có tác dụng rất lớn đối với GDĐĐ cho HS lại được thuê khoán như vấn đề vệ sinh trường lớp chẳng hạn.

Sự khác biệt thứ hai là ở chỗ, Nhật Bản, GDĐĐ với tư cách là môn học độc lập với tên gọi môn Đạo đức được thực hiện ở Tiểu học và THCS (sơ trung), còn đối với THPT (Cao trung) gọi là môn Đạo đức – Công dân. Còn ở Việt Nam, môn Đạo đức chỉ được gọi ở Tiểu học, còn ở THCS và THPT là Môn Giáo dục Công dân. Do đó, từ THCS, các nội dung liên quan đến pháp luật, đến quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đã bước đầu được đưa vào.

Nói tóm lại, mặc dù có một vài khác biệt, nhưng nhìn chung GDĐĐ của Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau do những tương đồng về văn hoá. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là cần triển khai một cách triệt để quan điểm tiếp cận toàn diện, cần đổi mới phương pháp, hình thức tiến hành GDĐĐ trong thực tiễn nhà trường; cần tạo ra một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, tăng cường sự tham gia của HS vào đời sống nhà trường, đa dạng hoá các cơ hội để HS được trải nghiệm các giá trị đạo đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình Tiểu học, THCS, THPT, NXB Giáo dục, 2002

2. Japan education. Khai thác mạng theo địa chỉ:
http://www.inca.org.uk

Taku Ikemoto: Moral education in Japan; Implications for American schools. Khai thác mạng theo địa chỉ http://www.inca.org.uk

TS. Nguyễn Thị Kim Dung – Trường ĐHSP Hà Nội

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

Người Nhật nhận thức rất rõ những khó khăn từ tự nhiên, những khó khăn mà một quốc gia phải đối mặt, chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới giáo dục đào tạo, với quan điểm coi “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; cần kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hóa lâu đời phương Đông với những tri thức Phương Tây hiện đại”.

Giáo dục đạo đức được đặc biệt chú trọng tại Nhật Bản
Nelson Mandela, vị anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi từng nói “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. Giáo dục đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo. Nhật Bản là một trong những quốc gia không nhận được nhiều sự ưu ái của mẹ thiên nhiên, điều này làm cho Nhật trở thành nước nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên. Nhận thức được điều đó, chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới giáo dục đào tạo, với quan điểm coi “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; cần kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hóa lâu đời phương Đông với những tri thức Phương Tây hiện đại”. Nhật Bản ngày nay đã trở thành là một cường quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ.

Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế bằng không. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đồng thời với việc tiếp tục cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ mới nhằm đưa Nhật Bản trở thành nước có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới.

Ngành giáo dục Nhật Bản có vị thế tốp đầu thế giới như hiện nay vốn được xây dựng trên nền triết lý “con người = đạo đức”, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần tự lập.

 

Du học Nhật Bản được rất nhiều sinh viên, học sinh quốc tế lựa chọn.

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội. Đạo đức có rất nhiều chức năng, trong đó tập trung ở ba chức năng cơ bản là chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục và chức năng nhận thức. Giáo dục đạo đức là quá trình chuyển văn hóa đạo đức xã hội thành văn hóa đạo đức cá nhân, nhằm làm hình thành và phát triển ý thức đạo đức và năng lực thực hiện hành vi đạo đức của con người.

Đạo đức là môn học bắt buộc dành cho học sinh Nhật ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục đạo đức đảm đương vai trò vô cùng quan trọng, trở thành giá trị cốt lõi của giáo dục Nhật Bản. Cùng với việc nuôi dưỡng tính nhân văn như là lòng bao dung hay trái tim biết suy nghĩ cho người khác, nó còn giúp mỗi học sinh tự học hỏi các bài học đạo đức, các quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ, tôn trọng mọi người xung quanh và mang theo tư tưởng đó ở nhà, tại trường học hay bất cứ hoàn cảnh nào trong xã hội. Góp phần phấn đấu cho sự sáng tạo của một nền văn hóa giàu cá tính, sự phát triển của một quốc gia dân chủ; tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình.

 

Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ nhà trường, gia đình mà còn bởi xã hội. Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản thể hiện trước tiên là sự khám phá bản thân. Tạo thói quen sinh hoạt hàng ngày đúng quy tắc, với tinh thần phấn chấn vui tươi, luôn “mỉm cười” và nói “cảm ơn”. Các em được dạy ăn uống điều độ, không sử dụng đồ đạc một cách lãng phí. Luôn tích cực và hăng hái với mỗi việc, việc của bản thân không nhờ vả người khác. Tự thức dậy, tự vệ sinh, ăn sáng và đến trường. Tự mình dọn dẹp phòng học và tủ sách vở. Việc tự lập sẽ giúp học sinh có cuộc đời phong phú, bản lĩnh hơn, thành công hơn trong cuộc sống, khẳng định nhân cách và khả năng của mình. Các em còn được dạy làm tất cả những việc tốt dù là nhỏ bé. Mỗi ngày đều phải sống trung thực với bản thân, ngay thẳng, không nói dối, làm điều xấu lại đổ lỗi cho người khác, biết tự phê bình, dám chịu trách nhiệm, có dũng khí bảo vệ lẽ phải, phát huy điểm mạnh của bản thân và đã làm việc là phải làm đến cùng.

Chào hỏi là một trong những việc rất quan trọng, nó thể hiện văn hóa ứng xử, giúp kết nối mọi người với nhau. Các em được dạy phải chào hỏi ba mẹ khi thức dậy, trước khi đi học. Trước khi ăn cơm phải nói câu xin mời (Itadakimasu), khi ăn xong không thể thiếu câu đã ăn xong (Gochisosama). Khi rời nhà phải nói câu “xin rời nhà” (Ittekimasu) và sẽ nhận được câu “xin cứ đi” (Itterasai). Khi về nhà nói câu “đã về nhà” (Tadaima) sẽ được chào đón “xin cứ về” (Okaerinasai), khi gặp ai quen biết hay thầy cô đều phải chào hỏi. Mặc dù các lớp học về đạo đức tại Nhật chính thức bắt đầu từ tiểu học, thế nhưng ngay từ mẫu giáo trẻ em đã được học các quy tắc ứng xử căn bản, rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…

Hướng dẫn cho học sinh những đức tính để hoà nhập vào sinh hoạt của tập thể cũng là một bài học trong giảng dạy đạo đức ở Nhật. Có tình bạn niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa. Chính vì vậy, bài học hãy vui vẻ, đoàn kết với bạn bè luôn được giảng dạy, phải nhìn vào những mặt tốt của bạn bè và cảm nhận tầm quan trọng của bạn bè đối với mình. Nuôi dưỡng tấm lòng nhân ái là vấn đề cũng được quan tâm nhằm hướng trái tim của các em biết sống vì người khác, biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, biết an ủi khi buồn, khi vui thì biết chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động thể dục, thể thao hay giải trí có tính văn hoá như âm nhạc, hội hoạ, du lịch khám phá thiên nhiên để học cách hoạt động nhóm, thông qua đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể, thúc đẩy trẻ phát triển, khám phá cuộc sống. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ tạo được mối quan hệ gắn bó với bạn bè và thầy cô, rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, ứng xử…

Giáo dục đạo đức ở Nhật còn thể hiện ở việc dạy cho các em biết coi trọng sự sống, yêu sự sống của mình, phải coi đó là tài sản quý báu, là một điều kỳ diệu, tuyệt vời của cha mẹ và của đất nước. Bản thân phải có nhiệm vụ gìn giữ cho khoẻ mạnh để đền đáp lại cha mẹ và phục vụ xã hội nơi mình đang sống. Ngoài ra phải biết coi trọng thiên nhiên và các loài động thực vật. Cần học cách chăm sóc con vật, nuôi dưỡng cây cối bằng trái tim nhân ái để cảm nhận thế nào là sự sống. Ở Nhật từ khi là học sinh tiểu học trẻ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng hàng ngày, quanh năm để các em làm quen với thiên nhiên, sinh vật quanh môi trường sống, dần dần hình thành lòng yêu sinh vật, yêu thiên nhiên.

自然体験活動 | こども教育支援財団

Hoạt động trải nghiệm để HS hiểu và có lòng biết ơn

Người Nhật còn giáo dục cho con trẻ là phải tôn trọng quy tắc mà xã hội đặt ra, phải biết yêu lao động, trân trọng những người lao động dù họ làm bất cứ nghề gì và chỉ cho các em thấy những công việc mà mình có thể làm. Đối với gia đình thì cần chia sẻ mọi điều với các thành viên trong gia đình, biết giúp đỡ bố mẹ những việc ở nhà. Phải luôn giữ tinh thần hoà thuận, biết vâng lời, kính yêu cha mẹ và thương yêu anh chị em trong gia đình. Các con phải luôn có lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ ốm đau, già lão.

Ngoài ra, giáo dục đạo đức ở Nhật còn là ở việc giáo dục các thế hệ trẻ là phải yêu quê hương đất nước, nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn. Phải giữ thái độ coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trang phục Kimono, các món ăn Nhật, nhà kiểu Nhật, các lễ hội truyền thống trong năm. Yêu sự tiến bộ và yêu hòa bình.

Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản đạt hiệu quả cao là do đã kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, trường học và xã hội. Việc dạy Đạo đức trong nhà trường ở Nhật Bản không chỉ là nằm ở nội dung, mà còn cách giảng dạy thiết thực và sinh động. Chính vì vậy đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm hồn và ý thức của mỗi học sinh. Đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục đạo đức ở Nhật chính là sự linh hoạt trong phương pháp và nội dung giảng dạy của giáo viên, nội dung phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi của học sinh và giáo dục gắn liền với thực hành và đời sống qua các hoạt động ngoại khóa.

Nhiệm vụ giáo dục đạo đức diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày

Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức và diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở; không phải học thuộc, mà phải rèn luyện thực hành hàng ngày để hình thành những thói quen, từ thói quen trở thành những hành động tự nhiên, từ những hành động tự nhiên biến thành tố chất của mỗi con người. Giờ ăn trưa của học sinh cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy tính tự lập; biết vệ sinh cá nhân và vệ sinh tập thể; biết chăm sóc bản thân; biết phục vụ bạn bè và thể hiện lòng biết ơn.

Sau giờ học buổi sáng, trước khi ăn bữa trưa, học sinh toàn trường có thời gian để làm vệ sinh lớp học, nhặt rác, lau chùi bàn ghế, khuôn cửa,… Hàng tuần, học sinh các lớp tham gia vệ sinh, quét dọn trạm dừng xe bus gần trường; bữa ăn hàng ngày, học sinh cùng nhau chia thức ăn và thu dọn sau khi ăn xong,… Những hoạt động ấy được duy trì và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên khiến học sinh có ý thức với công việc chung, trân trọng sức lao động của người khác và tăng cường tính hợp tác trong sinh hoạt tập thể.

Sau giờ học HS tự vệ sinh, dọn dẹp lớp học

Các lớp học trong trường đều không có lớp trưởng, hàng ngày, học sinh lần lượt thay phiên nhau làm các công việc điều hành lớp. Các hoạt động khác ở lớp, ở trường, tất cả học sinh đều được tham gia như nhau, do đó, mọi học sinh đều được tạo những cơ hội như nhau để bộc lộ và rèn luyện năng lực trong mọi hoạt động, trong điều hành công việc chung, những học sinh có đôi chút hạn chế ở một số mặt, sẽ xóa dần mặc cảm và từng bước hòa đồng với mọi thành viên trong tập thể.

Giáo dục đạo đức được thực hiện ngay từ học sinh còn nhỏ tuổi và quan trọng nhất là các em được thực hành theo tấm gương từ các thầy cô giáo trong các hoạt động hàng ngày về các quy tắc ứng xử, nề nếp một cách rất kỹ lưỡng.

Việc đánh giá kết quả giáo dục đạo đức dựa trên quan điểm phát triển, nắm bắt liên tục tình hình phát triển của học sinh liên quan đến cảm xúc, thái độ đạo đức cũng như tình hình học tập của các em. Đánh giá dựa trên nhận xét không được đánh giá học sinh dựa trên điểm số, đánh giá về “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”.

Tóm lại, giáo dục đạo đức cho học sinh là “dạy người” rất được chú trọng trong nền giáo dục Nhật Bản, được thực hiện từ sớm và xuyên suốt. Học sinh học “làm người” không phải từ các lời thuyết giảng giáo điều, sách vở mà thông qua các hoạt động thực tế ở trường lớp, ở nhà và xã hội, thẩm thấu tự nhiên và nuôi dưỡng nhân cách con người.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *