Coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ cấp học mầm non, tiểu học là một điểm nhấn nổi trội của nền giáo dục Nhật Bản.
Tiền đề của giáo dục là sự đồng đều
Theo bạn mục tiêu của giáo dục là gì? Nhiều nền giáo dục trên thế giới hướng đến việc có thể phát huy tối đa mọi tiềm năng của trẻ giúp học sinh có thể phát triển những ưu điểm lớn nhất của bản thân. Tuy nhiên giáo dục của Nhật Bản lại không như vậy. Giáo dục của Nhật Bản đặt tiền đề là tất cả học sinh đều có năng lực đồng đều như nhau. Có nhiều bài kiểm tra thường xuyên giúp học sinh cải thiện điểm của bản thân.
Người Nhật tin tưởng rằng phương pháp giáo dục này sẽ rèn luyện cho học sinh thái độ cầu tiến, không bỏ cuộc dù gặp khó khăn và sự chăm chỉ. Nhờ sự nỗ lực này mà học sinh có thể cải thiện năng lực của bản thân và rèn luyện những đức tính tốt.
Tiền đề giáo dục Nhật Bản là sự đồng đều giữa các học sinh
Không sách vở, giáo điều
Nhật Bản là một quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người biết chữ thực tế gần như bằng 100% và gần 80% số học sinh tốt nghiệp phổ thông được tiếp tục theo học lên, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Đặc biệt, coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ cấp học mầm non, tiểu học là một điểm nhấn nổi trội của nền giáo dục Nhật Bản.
Các mục tiêu 3 năm đầu ở tiểu học, nội dung giáo dục đạo đức, bao gồm: rèn luyện tác phong, kỉ luật trước khi học kiến thức, kĩ năng học tập, giúp các em hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách. Học sinh được dạy cách tôn trọng người khác, đối xử nhẹ nhàng với động vật và thiên nhiên. Học sinh được hướng dẫn, rèn luyện các quy tắc ứng xử với mọi người với quy tắc nền tảng là tôn trọng cộng đồng, làm việc theo nhóm. Những cảm xúc và niềm tin này rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản và theo mỗi cá nhân suốt cuộc đời.
Phương pháp giáo dục đạo đức nhấn mạnh tới: quá trình nuôi dưỡng đạo đức thì từng học sinh có thể cảm nhận sự trưởng thành của chính bản thân suốt quá trình đó, từ đó tìm ra mục tiêu cũng như vấn đề của bản thân. Thay vì nhận xét các hành vi của người khác, tập trung giúp học sinh tự đánh giá hành động của mình và tự trau dồi học hỏi cho bản thân. Học sinh sẽ tự tham gia cảm nhận về chủ đề mình đang học từ đó tự có thái độ và cách đối xử đúng đắn.
Học sinh được tạo nhiều điều kiện để suy nghĩ về các tình huống, bài học đạo đức theo nhiều chiều, nhiều cách khác nhau. Chú trọng giáo dục khả năng phán đoán, ra quyết định và hành động của học sinh. Thêm vào đó, có thể phát huy giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động trải nghiệm hay thực hành đa dạng qua các hoạt động đặc biệt. Không giáo dục học sinh thiên về cách suy nghĩ hay cái nhìn mặc định đối với các sự việc, không áp đặt cảm xúc, cách xử lí mà tạo nhiều cơ hội để học sinh bộc lộ nhiều cảm xúc đa dạng, cách xử lí phong phú phù hợp với từng cá nhân.
Có thể có những gợi ý về câu trả lời, suy nghĩ của học sinh nhưng giáo viên luôn đón nhận những suy nghĩ, cách nhìn đa dạng của học sinh để phân tích. Học sinh còn được dạy và rèn luyện: trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến người khác. Rộng hơn là giáo dục giá trị sống nhân hậu cho học sinh.
Rèn luyện tính tự lập từ khi còn nhỏ
Nếu như các trường học trên thế giới đặc biệt là các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ học sinh ăn trưa ở căng tin trường thì ở Nhật Bản, từ khi học mẫu giáo, khi đến giờ cơm trưa các bé sẽ cần phụ bếp, hỗ trợ đầu bếp nấu ăn, dọn dẹp và ăn trưa cùng nhau. Những bữa trưa tại trường cũng được lên thực đơn bởi các chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp đảm bảo trẻ hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng.
Phương pháp giáo dục này giúp rèn luyện cho trẻ tinh thần tự lập, sự đoàn kết, giúp trẻ biết trân trọng thức ăn cũng như những đầu bếp, nông nhân đã làm ra bữa ăn. Đối với người Nhật, tinh thần tự lập và văn hoá lễ nghi là yếu tố vô cùng quan trọng, vì vậy họ luôn lồng ghép một cách tinh tế những phương pháp giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ.
Thực đơn bữa trưa tại trường được chuẩn bị cẩn thận bởi các chuyên gia dinh dưỡng
Giáo dục đạo đức là điều vô cùng quan trọng
Giáo dục Nhật Bản không đặt nặng thành tích, các em học sinh sẽ không phải thi cho đến khi học lớp 4. Người Nhật tin rằng những năm đầu tiểu học là thời điểm để trẻ rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất. Trẻ được giáo dục cách sống tự lập, yêu thương kính trọng mọi người, rèn luyện lòng nhân ái, bao dung.
Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những bộ đồng phục thuỷ thủ xinh xắn của nữ sinh Nhật qua các bộ manga, anime, phim ảnh đúng không nào? Đồng phục cũng chính là một trong những điểm nhấn trong giáo dục của Nhật Bản. Các trường học ở Nhật Bản yêu cầu học sinh mặc đồng phục tới trường, có rất nhiều loại đồng phục ở quốc gia này từ đồng phục thể dục, đồng phục mùa đông, đồng phục hè, giày đi riêng trong lớp, …Đồng phục giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo nên không khí hòa đồng thân thiện trong lớp học, giúp các em học sinh không bị ngại ngùng khi làm quen với nhau do cách biệt điều kiện gia đình.
Đồng phục giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo môi trường học tập thoải mái
Các trường học Nhật Bản cũng tổ chức nhiều sự kiện trong năm, chẳng hạn như lễ nhập học, lễ tốt nghiệp, lễ hội thể thao và lễ hội văn hoá,…. Đây sẽ là cơ hội để phát triển tinh thần đoàn kết, sức mạnh đồng đội, sức mạnh lập kế hoạch, v.v. bằng cách cùng nhau hướng tới mục tiêu chung của sự kiện.
Những điều chúng ta học được từ phương pháp giáo dục của Nhật Bản
Đừng tiết kiệm những lời khen, hãy luôn khích lệ trẻ
Người Việt Nam có lối tư duy khá đặt nặng thành tích, nhiều phụ huynh luôn bắt ép con cái sống và học tập theo ý của bản thân mà không hề quan tâm tới trẻ muốn điều gì, yêu thích điều gì. Chúng ta tức giận và mắng mỏ trẻ khi trẻ làm sai nhưng lại ngần ngại hoặc quên đi việc khen trẻ khi trẻ hoàn thành tốt việc nào đó. Điều này sẽ trói buộc trẻ khỏi việc phát huy điểm mạnh cá nhân, đồng thời khiến con bị tự tin.
Ở Nhật Bản, giáo viên và phụ huynh luôn khen ngợi những điểm tốt của học sinh dù là những điểm nhỏ nhất. Họ tin rằng việc này sẽ giúp trẻ tự tin hơn, tập trung vào việc phát triển điểm mạnh của bản thân thay vì cố gắng làm việc không phù hợp với bản thân.
Hãy tôn trọng những quyết định của trẻ, động viên khích lệ để trẻ phát huy năng lực bản thân tốt nhất có thể.
Dạy cho trẻ tính tự lập từ khi còn nhỏ
Đôi khi chúng ta quá nuông chiều trẻ khiến cho trẻ khi lớn lên trở nên khó khăn trong việc tự lập, tự giải quyết các vấn đề của bản thân, tư duy trở nên chậm chạp và dựa dẫm. Tôi cho rằng đây là vấn đề chung của rất nhiều cha mẹ người Việt. Chúng ta nên áp dụng phương pháp giáo dục của Nhật Bản, tạo cho trẻ thói quen tự lập từ bé. Chúng ta không cần yêu cầu trẻ làm những điều quá to tát lớn lao mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: tự giác làm bài, giúp mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,… Những điều bé nhỏ mà bạn không chú ý đến ngày thường sẽ tạo nên những ảnh hưởng to lớn sau này mà bạn không ngờ đến đó!
Hãy rèn luyện cho trẻ tính tự lập từ những điều nhỏ nhất
Hãy tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với nhiều hoạt động cộng đồng
Thời đại công nghệ phát triển cũng khiến trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá sớm, thay vì tham gia hoạt động cộng đồng, trẻ lại chỉ ngồi cả ngày ôm điện thoại, máy tính. Sự thờ ơ của phụ huynh cũng khiến trẻ càng trở nên thụ động, lười biếng. Vào những ngày nghỉ rảnh rỗi, thay vì ngủ nướng, ôm điện thoại chúng ta nên đưa trẻ tham gia các hoạt động vui chơi cộng đồng, khích lệ trẻ tham gia các hoạt động lễ hội văn hoá, sự kiện do trường tổ chức giúp trẻ năng động, hoạt bát hơn, tôi luyện tinh thần đoàn kết, sự tự tin.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục đáng ngưỡng mộ, tôi hy vọng rằng chúng ta cũng có thể học tập những ưu điểm trong giáo dục Nhật Bản kết hợp cùng giáo dục truyền thống giúp trẻ phát huy năng lực tốt nhất có thể.